Vào lúc 14h ngày 11/10/2019, Đoàn luật sư Quảng Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm truyền thống 74 năm Ngày truyền thồng Luật sư Việt Nam và 29 năm ngày thành lập Đoàn Luật sư Quảng Bình.
Đến dự buổi lễ, có ông Trần Hải Châu - UVTV Tỉnh ủy, trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình; ông Trần Chí Tiến - GĐ Sở Tư pháp; Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp... và toàn thể Luật sư thành viên thuộc Đoàn Luật sư Quảng Bình.
Luật sư Đoàn Công Kê - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Quảng Bình đọc diễn văn buổi lễ, phát động phong trào thi đua năm 2019-2020

"Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo về công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp pần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Hôm nay, hòa chung với không khí cả nước vui mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước. Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam và 29 năm ngày thành lập Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình.
Thay mặt đội ngũ luật sư của tỉnh nhà, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới các quý vị đại biểu lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, đaị diện lãnh đạo Sở Tư pháp . Sự có mặt của của các quý vị trong buổi lễ trang trọng này là nguồn động viên to lớn đối với đội ngũ luật sư tỉnh nhà trong quá trình xây dựng và phát triển.
Kính chúc các luật sư dồi dào sức khỏe, thành công trong cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp, phấn đấu cho mục tiêu cao cả của nghề luật sư là phụng sự công lý, tham gia có hiệu quả vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền con người, phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong buổi lễ trang trọng này, chúng ta nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Người đã quan tâm chăm lo cho sự nghiệp xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam ngay sau khi giành được chính quyền, lập nên chính thể Dân chủ Cộng hòa, mặc dù lúc đó, đất nước còn phải đối mặt với biết bao hiểm nguy thù trong, giặc ngoài.
74 năm đã trôi qua kể từ khi Sắc lệnh số 46 ngày 10/10/1945 do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, lịch sử nghề luật sư Việt Nam đã có những trang sử thật tự hào với tên tuổi của các vị luật sư tiền bối, làm rạng danh cho giới luật sư Việt Nam. Luật sư Phan Văn Trường, Luật sư Vũ Đình Hòe, Luật sư Phan Anh, Luật sư Trần Công Tường, Luật sư Vũ Trọng Khánh, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Nguyễn Văn Hưởng, Luật sư Trịnh Đình Thảo…cùng nhiều vị luật sư lão thành khác. Đó là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, về đạo đức nghề nghiệp, những người đã có công lớn trong lịch sử luật sư Việt Nam, xứng đáng là những hạt giống đỏ trong truyền thống nghề luật sư để các thế hệ luật sư sau này tiếp nối, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong buổi lễ long trọng này, chúng ta cùng nhau nhớ lại những chặng đường đầy gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của giới luật sư và nghề luật sư Việt Nam. Ngay sau khi Sắc lệnh số 46 được ban hành, đất nước còn bộn bề những công việc có liên quan đến vận mệnh dân tộc và cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Phá. Ngày 18/6/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 69/SL, quy định về chế định bào chữa viên nhân dân. Có thể nói, chế định bào chữa viên nhân dân là một chế định đặc thù của một giai đoạn lịch sử cách mạng nước ta, phù hợp với quan niệm coi quyền bào chữa là một quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của công dân, như Đại hội luật gia dân chủ quốc tế họp năm 1956 đã từng nhận định quyền tự do bào chữa là “thành trì cần thiết cho các quyền tự do khác”.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chế định luật sư tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm, xây dựng và tạo điều kiện để nghề luật sư phát triển. Pháp lệnh về Luật sư 1987 đã tạo lập một cơ sở pháp lý mới cho nghề luật sư phát triển, Luật luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi bổ sung năm 2012, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giới luật sư và nghề luật sư nước ta ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý phục vụ cộng đồng. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định rõ các quan điểm mục tiêu và phương hướng phát triển nghề luật sư trong bối cảnh mới của đất nước.
Trong đà phát triển ấy, với sự hỗ trợ của các ban, ngành trung ương, của Bộ Tư pháp, tháng 5/2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra đời, trở thành ngôi nhà chung là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng cũng như tiếng nói của giới luật sư trong đời sống xã hội, góp phần vào việc đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng pháp luật, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tố tụng cũng như việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Đến nay, đội ngũ luật sư chúng ta đã có khoảng 13.000 luật sư thành viên và 5000 luật sư tập sự đang hoạt động tại 63 Đoàn luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đó là một lực lượng đông đảo, thông qua hoạt động nghề nghiệp, đang đóng góp sức mình vào sự nghiệp dân chủ hóa của đất nước.
Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình được thành lập ngày 25/9/1990, tại Quyết định số 633/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình theo Pháp lệnh Luật sư ngày 18/12/1987. Khi thành lập có 01 Luật sư trên 70 tuổi, trình độ tương đương Đại học Luật được chỉ định làm Chủ nhiệm lâm thời, 02 người tập sự hành nghề luật sư có bằng cử nhân luật.
Về số lượng Luật sư theo quy định Pháp lệnh luật sư năm 1987, lúc bấy giờ số người có bằng cử nhân luật rất ít, trong khi nhu cầu xã hội cần số lượng Luật sư nhiều để đáp ứng công cuộc đổi mới, nên ngoài những người có bằng cử nhân luật, người có trình độ tương đương Đại học Luật. Những công chức viên chức đang công tác cũng có thể gia nhập Đoàn Luật sư để hành nghề luật sư.
Đến năm 2001 Pháp lệnh Luật sư ngày 25/7/2001 được ban hành thay thế Pháp lệnh Luật sư năm 1987 sau 15 năm không còn phù hợp với tiến trình công cuộc đổi mới của cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Pháp lệnh mới quy định nếu đang là công chức không được hoạt động luật sư, nên số luật sư là công chức chấm dứt hoạt động luật sư trước ngày 30/10/2004, nên số lượng luật sư sau tháng 10/2004 từ 30 luật sư xuống còn 20 luật sư.
Từ ngày thành lập đến nay Đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình đã nổ lực hoạt động trải qua 29 năm và qua VII kỳ Đại hội.
Đến tại thời điểm hiện nay có 37 luật sư, hoạt động trong 15 tổ chức hành nghề luật sư (có 14 Văn phòng Luật sư, 2 Công ty Luật).
Truyền thống nghề luật sư và thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, luật sư của chúng ta đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện dân chủ hóa hoạt động tố tụng, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vị trí, vai trò của luật sư trong đời sống pháp luật nước ta tiếp tục được khẳng định, uy tín của luật sư trong nhân dân được tăng cường, niềm tin của nhân dân với luật sư cộng đồng doanh nghiệp đã và đang được củng cố.
Đội ngũ luật sư có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được trong những chặng đường đã qua. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong giới luật sư, ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, vẫn còn những hiện tượng tiêu cực, làm ảnh hưởng đến truyền thống và uy tín nghề nghiệp luật sư trong cộng đồng xã hội. Trong giai đoạn phát triển mới, đội ngũ luật sư cần phải tăng cường đoàn kết, ra sức phấn đấu, rèn luyện đạo đức, trau rồi kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ… vượt qua những khó khăn mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.
Giới luật sư nhận thức rằng, nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức là cái gốc của đời người, là nền tảng để hình thành và phát triển nhân cách. Nghề luật sư là một nghề đặc biệt, gắn liền với số phận pháp lý của từng con người. Người luật sư hành nghề không lấy việc kiếm tiền làm mục đích tự thân, đành rằng luật pháp quy định cho luật sư quyền nhận thù lao từ khách hàng. Khi đã đặt mục đích cao cả là “phụng sự công lý” thì nhất thiết người luật sư phải xuất phát từ tấm lòng của mình chứ không thuần túy chỉ là một loại nghĩa vụ trong một quan hệ dịch vụ thông thường có thu tiền thù lao như các loại hình dịch vụ khác. Rất nhiều luật sư hành nghề với một tấm lòng nhiệt huyết, tận tụy với nghề nghiệp. Có luật sư không nhận thù lao, thậm chí còn bỏ tiền của mình ra chi phí đi lại để giúp khách hàng. Những việc làm như vậy có ý nghĩa to lớn trong việc tôn vinh nghề nghiệp luật sư.
Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật, tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, treong lối sống và giao tiếp xã hội.
Luật sư có nhiệm vụ bào chữa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, thông qua đó còn phải bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ lợi ích chung của xã hội, của quốc gia dân tộc. Quyền và lợi ích của mỗi công dân bao giờ cũng gắn liền với các lợi ích chung ấy, không thể tách rời. Trong hoạt động nghề nghiệp, người luật sư cần có nhận thức đầy đủ về các quyền và nghĩa vụ của mình, về những mục tiêu mà mình phải bảo vệ. Đó là điều tối quan trọng trong hành nghề luật sư, đòi hỏi người luật sư phải có một phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng trong việc thực hiện các mục đích nghề nghiệp.
Nghề luật sư, vốn dĩ đã mang tính phản biện cao, nhưng giá trị của các phản biện ấy chỉ được tôn vinh khi nó được thực hiện với một tấm lòng chân thành, với mục đích xây dựng. Cộng đồng xã hội ghi nhận và tin tưởng vào giới luật sư chúng ta, Do vậy, mỗi luật sư cần không ngừng học tập, nâng cao năng lực, trình độ, hiểu biết pháp luật, kỹ năng hành nghề thấm nhuần và quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, liên tục phấn đấu vì một nền tư pháp dân chủ, công bằng hiệu quả, bảo vệ công lý, tuân thủ pháp chế, bảo vệ quyền con người, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đất nước ta hiện nay đang đứng bước vào giai đoạn phát triển mới với những cơ hội mới, thách thức mới. Quá trình phát triển đó cũng đang tạo ra những thời cơ mới, vận hội mới cho hoạt động nghề nghiệp luật sư. Đội ngũ luật sư Quảng Bình cần tăng cường đoàn kết vượt qua những khó khăn hiện tại trong hoạt động hành nghề và trong đời sống xã hội, xây dựng Đoàn luật sư Quảng Bình ngày càng vững mạnh toàn diện.
Tại buổi lễ kỷ niệm này, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình phát động thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam và 30 năm ngày thành lập Đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình trong năm 2020. (nội dung thi đua theo hướng dẫn của Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật).
Đội ngũ luật sư Quảng Bình xin nguyện phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi đầu và gương mẫu trong việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật, góp phần vào bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp chế xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, không phụ lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình, chúng tôi trân cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Uỷ, Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ nhiều mặt cả vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua.
Thành tích hoạt động trong những năm qua của Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình, không tách rời quan hệ phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Sở, Ban ngành trong tỉnh, đặc biệt là Ban Tổ chức tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và các cơ quan tieend hành tố tụng của tỉnh, chúng tôi xin trân trọng và chân thành biết ơn.
Để tạo điều kiện cho buổi lễ kỷ niệm thành công, thay mặt Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Quảng Bình cảm ơn Ban cán sự tổ dân phố Đồng Tâm, phường Hải Đình, Văn phòng luật sư Đức Thịnh; Luật sư Trần Thường Phi đã giúp đỡ địa điểm, tinh thần và kinh phí. Đặc biệt xin cảm ơn Văn phòng Luật sư Công Bằng, Trưởng Văn phòng Trương Văn Bá tài trợ toàn bộ kinh phí cho buổi cơm gặp mặt thân mật của các luật sư và đại biểu dự buổi lễ hôm nay.
Cuối cùng kính chúc các Đại biểu và luật sư đồng nghiệp sức khỏe, thành công.
Tôi xin chân thành cảm ơn!"
(Luật sư Đoàn Công Kê - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Quảng Bình)

Ông Trần Hải Châu - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, trưởng Ban Nội chính phát biểu và tặng hoa chúc mừng Đoàn Luật sư Quảng Bình
.jpg)
.jpg)
Luật sư Đỗ Ngọc Thiển - Chủ tịch HĐ KT-KL hướng dẫn nội dung thi đua

Luật sư Hồ Lý Hải - Chi Hội trưởng, triển khai công tác của Chi Hội Luật gia Đoàn Luật sư

Bế mạc buổi lễ


Đoàn Luật sư Quảng Bình chân thành cảm ơn các Ban, Ngành, tổ chức, cá nhân đã dành sự quan tâm đặc biệt và đến dự buổi lễ kỷ niệm trọng đại này.
Đoàn Luật sư Quảng Bình sẵn sàng đón nhận các ý kiến đóng góp của các Tổ chức, cá nhân giúp Đoàn Luật sư Quảng Bình hoàn thiện và phát triển vững mạnh hơn!