Danh mục chính

Liên kết website

Ảnh hoạt động

Tin trong ngành

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH QUẢNG BÌNH LÀM TỐT CÔNG TÁC PHÂN CÔNG LUẬT SƯ BÀO CHỮA

4/13/2023 3:31:15 PM
ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH QUẢNG BÌNH LÀM TỐT CÔNG TÁC PHÂN CÔNG LUẬT SƯ BÀO CHỮA THEO YÊU CẦU CỦA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH QUẢNG BÌNH LÀM TỐT CÔNG TÁC PHÂN CÔNG LUẬT SƯ BÀO CHỮA THEO YÊU CẦU CỦA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

 

Đoàn Công Kê – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư

 

          Bào chữa cho bị can, bị cáo nói chung, đặc biệt đối với bị can, bị cáo bị khởi tố với loại tội có khung hình phạt cao từ tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, có vai trò quan trọng của luật sư trong việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm công bằng trong tố tụng hình sự. Mặt khác, luật sư bào chữa còn góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, giải quyết đúng đắn vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; đồng thời góp phần hạn chế sự lạm quyền và vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Vai trò của luật sư bào chữa trong hoạt động tố tụng hình sự ngày càng được phát huy, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện, bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại toà làm căn cứ quan trọng để Hội đồng xét xử phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 26/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu: Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 nêu rõ: “Khi xét xử, các toà án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn dân sự và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định”.

Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”; Điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Việc  Chỉ định người bào chữa, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

- Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

- Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức cử người bào chữa cho các trường hợp nêu trên, trong đó có Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư tham gia bào chữa.

          Từ những quy định của pháp luật nêu trên, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình đã quán triệt cho 49 luật sư trong tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện bào chữa cho bị can, bị cáo khi được chỉ định. Theo quy định tại Điều 21 Luật Luật sư thì luật sư có nghĩa vụ: “Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu”.

          Để thể chế hóa chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định mở rộng trường hợp bắt buộc mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình và quy định rõ hơn bào chữa chỉ định trong trường hợp người bị buộc tội có “nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi”.

          Trong thời gian qua Đoàn Luật sư tỉnh Quảng bình yêu cầu các tổ chức hành nghề luật sư chỉ định luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm thực hiện tốt theo quy định của pháp luật, hoạt động tác nghiệp của luật sư bảo đảm thận trọng, khách quan. Mỗi năm Đoàn Luật sư yêu cầu các tổ chức hành nghề luật sư chỉ định trên 50 vụ án hình sự, thuộc các loại tội phạm có khung hình phạt cao như tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; Tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”; Tội “Giết người”; Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.v.v.. Luật sư tham gia bào chữa với vai trò là người bào chữa chỉ định tại các vụ án hình sự đều tuân thủ những giá trị, chuẩn mực được quy định trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín nghề nghiệp của giới luật sư trong xã hội.

Trong hoạt động bào chữa, luật sư với vai trò là người bào chữa chỉ định các vụ án hình sự đã nhận thức đúng những việc cần phải làm cho thân chủ, trách nhiệm với xã hội, với sự phát triển công lý và nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm, quyền hạn, lợi ích khi tham gia phiên tòa, những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến quyết định của luật sư tại phiên tòa, trên cơ sở đó, đưa ra các quan điểm tranh tụng bảo đảm tính khách quan, đúng pháp luật, góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết đúng đắn vụ án. Khi tham gia tố tụng Luật sư có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà Luật sư tiếp xúc khi tham gia bào chữa; chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật và giữ tính độc lập của nghề nghiệp Luật sư để góp phần vào việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

                                                                                        

Luật sư thực hiện bào chữa cho bị can, bị cáo đã quan tâm sử dụng các lợi thế của mình về thực hiện quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự như: Gặp, hỏi người bị buộc tội; tham gia lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can, người bị tạm giữ; tham gia trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của pháp luật; Đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra; Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật Tố tụng...

Đồng thời Luật sư đã thực hiện tốt các nghĩa vụ: Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; Giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; Tôn trọng sự thật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối...

Để bị can, bị cáo thực hiện quyền yêu cầu người bào chữa theo quy định của Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã chú ý tới việc phổ biến cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo quyền có người bào chữa theo quy định pháp luật. Quyền được lựa chọn người bào chữa cần phải được bảo đảm ở các giai đoạn của tố tụng. Giai đoạn điều tra vẫn là giai đoạn quan trọng nhất, Quyền này phải được đặt ra câu hỏi đầu tiên khi lấy lời khai của người bị tình nghi, người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, để cho họ được thực hiện quyền này. Cơ quan điều tra trong thời gian qua đã thực thi nghiêm túc các quy định này của pháp luật trên tinh thần tôn trọng quyền của công dân và phối hợp tương đối tốt với Đoàn Luật sư thực hiện theo quy định Thông tư số: 46/2019/TT-BCA ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Bộ Công an “quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”.

Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn bộc lộ nhiều vướng mắc việc áp dụng giải quyết các vụ án hình sự thuộc trường hợp bào chữa theo chỉ định, điều đó, dẫn đến người bị buộc tội không được bảo đảm trọn vẹn quyền bào chữa, do lý do khách quan, chủ quan nào đó mà luật sư được chỉ định bào chữa chưa thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình. vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự ở một số trường hợp chưa được nâng cao, có luật sư còn bị hạn chế về kiến thức, kỹ năng và phong cách ứng xử, nên chưa có được quan điểm pháp lý tốt, luận cứ tranh luận chưa đủ sức thuyết phục, chưa tạo được hiệu quả hoạt động nghề nghiệp. Vì thế, đòi hỏi luật sư tham gia bào chữa theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng phải ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, tham gia phải tận tâm, phát huy khả năng ưu thế nghề nghiệp và kinh nghiệm của mình để bảo đảm Sự độc lập, tính chuyên nghiệp của luật sư, nâng cao hiệu quả của hoạt động bào chữa, nhằm tránh việc thực thi mang tính hình thức.

Bên cạnh trách nhiệm của Đoàn Luật sư và luật sư khi được phân công tham gia bào chữa các vụ án chỉ định, còn có trách nhiệm của cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tạo điều kiện làm việc cho các luật sư tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Đoàn Luật sư cũng cần có những biện pháp để khuyến khích phát triển đội ngũ luật sư, không ngừng phấn đấu nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nêu cao tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, trung thực, dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải và công lý, nhằm đáp ứng được nhu cầu của người dân ngày một tăng đối với quyền bào chữa trong thời gian tới./.

 

 

 

Bản Quyền Thuộc Đoàn Luật Sư Tỉnh Quảng Bình

Số 18A-Quang Trung-P. Đồng Hải-TP.Đồng Hới- Tỉnh Quảng Bình
Email: doanluatsuqb@gmail.com
Hỗ trợ kỹ thuật : (0232)3825.441
Đoàn Luật Sư Tỉnh Quảng Bình
© Phát triển bởi VNPT Quảng Bình