Tạo bước chuyển mới bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra

 10h:14, ngày 10/23/2019

Đã hơn 8 năm kể từ khi Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 (“Thông tư 70”), việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra đã có nhiều điểm tích cực, nhất là sau khi Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (“BLTTHS”) có hiệu lực vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia tố tụng hình sự, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (“LĐLSVN”) nhận được rất nhiều phản ánh của các luật sư về những vướng mắc, tồn tại trong quy định pháp luật lẫn trong thực tiễn hành nghề, một số cơ quan điều tra và điều tra viên nhận thức chưa đúng, dẫn đến việc có một số biểu hiện cản trở, không bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra.

Cùng với cơ chế phối hợp, giải quyết những vướng mắc, cản ngại nêu trên, Lãnh đạo Bộ Công an, LĐLSVN tổ chức nhiều Hội thảo, Tọa đàm về tổng kết thực tiễn thi hành Thông tư 70, từ đó nâng cao nhận thức và cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định mới, tiến bộ về bào chữa, bảo vệ quyền lợi trong BLTTHS 2015. Xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu nêu trên, Lãnh đạo Bộ Công an thông qua Cục Pháp chế và cải cách tư pháp, hành chính đã dự thảo và lấy ý kiến các ban, ngành về Thông tư mới thay thế Thông tư 70. Bên cạnh việc tổng hợp ý kiến từ phía các luật sư và các Đoàn Luật sư, Thường trực LĐLSVN đã đăng ký làm việc, trình bày trực tiếp với Lãnh đạo Bộ Công an về một số vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong dự thảo Thông tư mới.

Đúng vào Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, kỷ niệm 10 năm thành lập LĐLSVN, Đại tướng Tô Lâm- Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 (“Thông tư 46”) quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Nhìn từ thực tiễn tham gia tố tụng, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm mới, tích cực, nếu được nhận thức, thực hiện, chấp hành một cách nghiêm túc, có thể tạo ra bước chuyển mới, tích cực trong quá trình tham gia tố tụng của luật sư nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, đương sự trong giai đoạn điều tra:

Thứ nhất, Thông tư 46 đã có nhiều quy định mới về thông báo, tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa theo hướng luật sư có thể tiếp cận sớm nhất nhằm hỗ trợ pháp lý cho người bị buộc tội, đề cao trách nhiệm và thời hạn giải quyết các yêu cầu. Để dễ hình dung, thay vì đảm bảo “quyền im lặng” như một số nước có nghề luật phát triển, Thông tư 46 đã khẳng định ngay từ khi tiếp nhận người bị bắt, bị tạm giam, giao nhận các quyết định tố tụng, Điều tra viên phải lập biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị buộc tội về việc có nhờ người bào chữa hay không và cách thức giải quyết yêu cầu nói trên để cơ quan điều tra thực hiện các quy định của BLTTHS 2015.

Việc tiếp nhận thủ tục, yêu cầu được quy định rõ tại nơi tổ chức trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc nơi trực ban của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, đóng dấu tiếp nhận giờ, ngày, tháng, vào Sổ tiếp nhận và Sổ đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Trong trường hợp người bị buộc tội từ chối yêu cầu nhờ luật sư của người thân thích, trong vòng 12 giờ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và 24 giờ đối với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản.

Cụ thể hóa BLTTHS 2015, lần đầu tiên Thông tư 46 quy định về thời điểm, thủ tục tham gia của luật sư nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Điều này có nghĩa là, kể từ khi có Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng, luật sư đã có thể có mặt, ở bên cạnh người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi được triệu tập lần đầu tiên đến làm việc.

Thứ hai, Thông tư 46 đã quy định và phân biệt rõ hai (02) trình tự gặp, làm việc của luật sư sau khi đã được cấp Thông báo đăng ký bào chữa:

Một là, trình tự gặp, tham dự hỏi cung do Cơ quan điều tra, Điều tra viên chủ động tiến hành theo kế hoạch điều tra: Cơ quan điều tra phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng để luật sư tham gia tối thiểu 24 giờ (đối với luật sư cư trú cùng địa phương), 48 giờ đối với trường hợp luật sư cư trú khác địa phương) trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng. Chính vì vậy, khi lấy lời khai người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can nếu Điều tra viên đồng ý cho người bào chữa, người bảo vệ được hỏi thì phải ghi câu hỏi, câu trả lời của người bị buộc tội, đương sự vào biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung bị can. Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung bị can, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa, bảo vệ đọc lại, ký tên trên biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung.

Hai là, trình tự luật sư được quyền chủ động gặp người bị tạm giữ, tạm giam không phụ thuộc vào kế hoạch hỏi cung, làm việc của Cơ quan điều tra, Điều tra viên (trừ trường hợp vụ án xâm phạm an ninh quốc gia): Điều 12 Thông tư 46 quy định khi luật sư đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và Thẻ luật sư, thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình, phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở Cơ quan điều tra và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 BLTTHS 2015.

Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết. Điều này có nghĩa là, luật sư thông báo trước và được chủ động vào làm việc với người bị bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, Cơ quan thụ lý vụ án sau khi được thông báo từ Cơ sở giam giữ không thể viện lý do bận công việc hay không có người vào tham dự cùng để cản trở việc gặp, làm việc của luật sư. Nếu tuân thủ nghiêm túc tinh thần và nội dung điều luật này sẽ tạo ra bước chuyển hết sức tích cực cho việc tham gia chủ động của luật sư trong giai đoạn điều tra.

Thứ ba, nhằm bãi bỏ quy định bất hợp lý, hạn chế thời gian gặp, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong vòng 01 giờ, Thông tư 46 lần đầu tiên quy định việc gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Đây thật sự là một quy định mới, mang tính tiến bộ, thể hiện trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia tố tụng của luật sư nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, đương sự trong vụ án hình sự.

Thứ tư, bên cạnh việc bảo đảm thực hiện quyền của luật sư nhằm thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, cũng như đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, Thông tư 46 đã quy định cụ thể trách nhiệm của Cơ quan thụ lý vụ án trong việc bảo đảm thực hiện quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án của luật sư trước khi bản kết luận điều tra và hồ sơ vụ án được chuyển cho Viện kiểm sát.

 

LS.TS PHAN TRUNG HOÀI

 

 

 

Chia sẻ2