Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ việc bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc dư luận và gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh. Do đó, việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cá nhân cho các em là rất cần thiết.
Gần đây, những thông tin về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em (XHTE), xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) đăng tải trên các phương tiện truyền thông gây nhiều bức xúc, lo lắng trong dư luận xã hội.
Tội phạm XHTE, XHTDTE không chỉ xảy ra ở khu vực dân cư đông đúc mà còn lan tới vùng sâu, vùng xa, có chiều hướng gia tăng và để lại nhiều hậu quả đau lòng trong đời sống của nhiều gia đình.
Trong đó, trẻ em nữ ở độ tuổi 12-15 bị xâm hại chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 58%. Nguy hại hơn, số trẻ em dưới 6 tuổi bị bạo hành, bị xâm hại gia tăng ở mức đáng báo động, lên tới 13,2%.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, mỗi năm trung bình có khoảng 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, mà nạn nhân đa số là trẻ em nữ.

Ảnh minh họa.
PGS – TS Trần Thị Kim Xuyến - Phó khoa Khoa Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Chuyên ngành Xã hội học – Tâm lý học, trường Đại học Văn Hiến chia sẻ, các bậc phụ huynh thường vẫn nghĩ trẻ cần không gian sống thật an toàn, nên chỉ chú ý đến nơi công cộng mà bỏ qua nơi sống của các em. “Cha mẹ thường dạy con cái không được đi chơi với người lạ. Nhưng lại quên rằng, chính những người thân, người gần gũi, người quen mới chính là đối tượng dễ dàng xâm hại trẻ nhất”.
Đồng thời, PGS – TS Trần Thị Kim Xuyến nêu vấn đề, hiện nay, người ta vẫn chú ý về sự tổn hại thể chất đối với trẻ bị xâm hại mà bỏ qua sự tổn hại về mặt tinh thần. Sự tổn hại về mặt tinh thần đối với trẻ không phải ngay khi thời điểm bị xâm hại mà dẫn đến tình trạng lệch lạc về tinh thần sau này khiến các em mất đi niềm tin.
Tương tự, xã hội dường như chọn sự im lặng thờ ơ. Ngoài ra, văn hóa tránh nói về chuyện sinh lý, về chuyện tình dục, xâm hại tình dục coi nó như là vấn đề tế nhị, là chuyện người lớn, không phải chuyện của trẻ em, vô hình chung đã tiếp tay cho vấn nạn này.
Nguyên nhân gia tăng tội phạm XHTDTE chủ yếu là do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về biến đổi tâm sinh lý của trẻ; thiếu sự quan tâm và chia sẻ về vấn đề giới tính với con cái. Qua đó, dẫn tới tình trạng trẻ em, nhất là trẻ em gái không có kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, thiếu ý thức về nguy cơ bị xâm hại và thiếu kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.
Cùng với đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh, do khó khăn trong việc kiểm soát tệ nạn phim đen, phim bạo lực và sự lạm dụng thiết bị nghe nhìn điện tử của các phần tử xấu; do sự đổ vỡ và sự xuống cấp giá trị đạo đức của nhiều gia đình... dẫn tới tình trạng số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng và bị xâm hại ngày càng tăng.
Thực tế cho thấy, XHTE nói chung và XHTDTE nói riêng thường xảy ra ở các khu vực có nhiều phòng trọ cho thuê và có đông người lao động nghèo cư trú; tình trạng trẻ em bị xâm hại gia tăng còn lan tới khu vực nông thôn và các địa bàn hẻo lánh.
Song song đó, với hậu quả do các tội phạm XHTE, XHTDTE gây ra hết sức nặng nề. Không chỉ bị xâm hại về thể xác, tính mạng bị đe dọa, mà tinh thần của các em cũng bị ảnh hưởng.
Gần 60% trẻ em sau khi bị XHTD đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh mọi người. Số vụ trẻ em bị xâm hại khi được phát hiện, hoặc khi có đơn, thư tố cáo của gia đình chuyển tới các cơ quan chức năng, thì thường là chậm, nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, đối tượng phạm tội tìm cách chối tội hoặc bỏ trốn.
Thực trạng tội phạm XHTE, XHTDTE đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tới đời sống của nhiều gia đình. Vì lẽ đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm XHTDTE là một yêu cầu bức thiết hiện nay.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, về tính dục, về kỹ năng phòng vệ cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Vì vậy, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình và người thân trong việc phòng chống bạo lực gia đình, XHTDTE. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm tới việc sinh hoạt, học tập và chia sẻ với con cái về vấn đề giới tính để sớm nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý của trẻ.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, phá án; vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi XHTDTE; xử lý nghiêm minh và không để lọt tội phạm XHTE.
Hiện nay, Việt Nam có các quy định về bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ như chúng ta đã tham gia sớm Công ước quốc tế về Quyền trẻ em; Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ luật Hình sự…
Các lực lượng như Công an, Viện KSND, Tòa án các địa phương đã khởi tố, điều tra, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, trong đó có cả những mức án chung thân, tử hình.
Tuy nhiên, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn không giảm, mà ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng.
Qua đó, nhằm ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần phải xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý đủ mạnh. Bộ luật Hình sự hiện đã quy định rất rõ và chi tiết về xử lý những hành vi liên quan đến xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho trẻ em.
nguồn: "lsvn.vn"