Một số tờ báo tại Tp. Hồ Chí Minh phản ánh: ngày 28.3.2017, TAND tỉnh Đồng Tháp đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 140 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Bào chữa cho bị cáo là Ls. Trịnh Vĩnh Phúc, thuộc Đoàn Luật sư Tp. HCM không đồng ý cách xét hỏi của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa có tính cách ép cung đối với bị cáo và mớm cung đối với bị hại nên Ls. Phúc và một luật sư đồng nghiệp của Ls. Phúc đã phản ứng bằng cách đứng dậy khiến chủ tọa phải thuyết phục 02 luật sư này ngồi xuống để phiên xử tiếp tục diễn ra và sau đó phiên tòa tiếp diễn trở lại. Theo quan điểm của cơ quan báo chí: Mọi người tham dự phiên tòa, kể cả luật sư đều phải tuân thủ sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa; ngôn ngữ, cử chỉ, lời nói phải bảo đảm văn hóa pháp đình (trang 6, Báo Pháp luật Tp. HCM ngày 31.03.2017).
Để minh chứng sự đồng thuận của dư luận xã hội đối với quan điểm nêu trên, bài báo trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia pháp lý:
- Theo một thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội: Luật sư là người tham gia tố tụng chứ không phải người tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ tham gia phiên tòa (Điều 190 BLTTHS)… Mọi người ở trong phòng xử án phải có thái độ tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa; ai có hành vi gây rối hoặc xem thường thì HĐXX có thể nhắc nhở hoặc thực hiện các biện pháp cần thiết ngăn chặn, chấm dứt hành vi ấy. Bên cạnh lý lẽ “phủ bênh phủ…” cũng có ý kiến “dĩ hòa vi quý”.
Về phần mình, tôi nghĩ rằng trong mọi tình huống phức tạp diễn ra tại phiên tòa cần xử lý phù hợp quy định pháp luật.
Không nên cứng nhắc dựa vào thuật ngữ tại phòng xử án mọi người phải chịu sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa để chủ tọa “tùy cơ ứng biến”, “tùy tiện hành xử theo cảm tính cá nhân”, trong khi luật hiện hành không có quy định thế nào là thiếu tôn trọng HĐXX mà tùy thuộc vào nhận thức chủ quan, duy ý chí của chủ tọa phiên tòa.
Được biết, tại các nước có nền tư pháp tiến bộ, luật sư trừng mắt, đứng dậy, đi qua, đi lại, vung tay, chỉ chỏ khi tác nghiệp là “chuyện thường ngày ở huyện”. Trong đi đó, có người lại cho rằng làm như thế là thiếu tôn trọng HĐXX?
Không ai phủ nhận nguyên tắc “vô luật bất thành tội”. Sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, tôn trọng văn hóa pháp đình phải phối hợp với lẽ công bằng và công lý. Hiện tại mô thức điều khiển phiên tòa luật tố tụng không quy định cụ thể. Nền dân chủ pháp quyền phải thực hiện nguyên tắc trọng pháp tức là: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Điều khiển hoạt động xét xử, Chủ tọa phiên tòa cũng phải chấp hành pháp luật, luật pháp không có quy định thì không thể xử lý bất cứ người nào vì vô luật bất thành tội. Mọi người sống và làm việc theo pháp luật.
Ông Nguyễn Kim Tiếng, nguyên Viện trưởng VKSND quận 5 Tp. HCM cho rằng: Luật sư có quyền làm văn bản kiến nghị đến Tòa án hoặc Viện kiểm sát nếu thấy rằng thẩm phán và kiểm sát viên tại tòa có hành vi vi phạm pháp luật tố tụng kèm theo những chứng cứ do luật sư thu thập… Nếu thực sự chủ tọa vi phạm tố tụng trong quá trình xét hỏi thì luật sư có thể tìm cách xác lập chứng cứ, khi kết thúc phiên tòa sẽ làm bản kiến nghị đến Chánh án.
Lập luận vừa nêu khó đem lại hiệu quả mong muốn. Khi chủ tọa phiên tòa “lạm quyền” luật sư phát hiện nếu không phản ứng kịp thời thì luật sư làm sao thu thập chứng cứ vi phạm của chủ tọa phiên tòa? Trong khi chứng cứ đang diễn ra tại phiên tòa? Việc ghi âm, chụp hình, quay phim… phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Chưa kể, luật sư chứ đâu phải nhà báo mà trang bị sẵn máy ghi âm, máy chụp hình… Nếu chủ tọa phiên tòa là người xét hỏi “mớm cung” thì chắc chắn chủ tọa phiên tòa sẽ không để cho luật sư thu thập chứng cứ gây bất lợi cho chính chủ tọa.
Luật sư Hoàng Văn Thất Sơn nhận định: “… nếu luật sư đứng suốt phiên xử không chịu ngồi thì sẽ làm cản trở việc xét xử một cách bình thường của HĐXX… LS có thể sử dụng quyền của người bào chữa để đề nghị Thư ký phiên tòa ghi chép một cách đầy đủ những câu hỏi mà LS cho rằng chủ tọa ép cung, mớm cung. Sau đó LS còn có quyền được xem biên bản phiên tòa, nếu thấy biên bản không ghi đầy đủ những câu hỏi mà LS cho rằng chủ tọa ép cung, mớm cung thì LS vẫn có quyền đề nghị ghi vào.
Theo tôi, mấu chốt của vấn đề là các yêu cầu của luật sư có được người tiến hành tố tụng kể cả thư ký phiên tòa ghi nhận hay không? Nếu không thì có bị chế tài? Hình thức chế tài? Khó có thể ghi đầy đủ nội dung xét hỏi của HĐXX, KSV, LS vào viên bản phiên tòa.
“Vuốt mặt nể mũi”, làm thế nào ghi chép trung thực nội dung mớm cung của chủ tọa (nếu có) trong khi thư ký lại là người giúp việc của thẩm phán chủ tọa phiên tòa?
Tình huống “luật sư đứng để phản ứng thẩm phán chủ tọa phiên xử” chưa xảy ra tiền lệ; BLTTHS hiện hành không liệt kê rõ ràng hành vi nào là cản trở việc xét xử… nên cách hiểu quyền điều khiển phiên tòa của chủ tọa thiếu thống nhất. Cần xác định nội hàm điều khiển phiên tòa của chủ tọa nhằm tránh tình trạng thiếu thống nhất “ông nói gà, bà nói vịt” trong hoạt động điều hành hoạt động tố tụng hình sự!