Bên cạnh những hoang mang, dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Liệu có thế lực nào đứng sau bảo kê nên Alibaba mới thách thức pháp luật như vậy?
Công ty Alibaba đã tự giới thiệu là tập đoàn kinh doanh địa ốc có vốn điều lệ 5.600 tỷ đồng với hơn 2.500 nhân viên, 48 dự án ở nhiều tỉnh thành, cam kết "giúp khách hàng giàu lên cùng bất động sản, lợi nhuận tối thiểu 28% mỗi năm và chưa có khách hàng nào thua lỗ khi đầu tư địa ốc tại đây".

CEO Nguyễn Thái Luyện (Áo sơ mi trắng) làm việc với Cơ quan CSĐT vào chiều ngày 28/9/2019. (Ảnh do Công an cung cấp).
Chia sẽ về điều này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật nêu hàng loạt phân tích: "Rõ ràng từ vụ việc lừa đảo có tổ chức này, chúng ta cần xem lại chức năng quản lý nhà nước đối với những loại hình, công ty làm ăn như thế, để có những đánh giá cụ thể, rõ ràng hơn.
Đây là những dự án “ma”, không có thật, lại được mua bán công khai như vậy, chứng tỏ một phần quản lý của cơ quan chức năng còn sơ hở. Họ quảng cáo rầm rộ như vậy thì phải biết chứ?
Lẽ thường, cơ quan quản lý nhà nước thấy vậy phải tìm hiểu xem nó là thật hay là giả, để phát hiện, cảnh báo và can thiệp kịp thời. Nếu làm được như vậy, tôi tin họ không thể lừa đảo được với quy mô lớn như thế, thậm chí còn sớm bị đóng cửa, vì chẳng lừa được ai.
Nhưng đến giờ này vụ việc mới được phát hiện, khi Alibaba đã lừa gạt quá nhiều người thì sự việc đã rồi, hậu quả để lại rất lớn. Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm trong quản lý nhà nước đối với loại hình này. Cần hết sức cảnh giác, vì những biến tướng trong kinh doanh, mặt trái của kinh doanh luôn xảy ra.
Vì lẽ đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung kiểm tra, thanh tra, giám sát. Làm sao có thể phát huy, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp làm ăn tử tế, có uy tín thực sự và đóng góp cho ngân sách nhà nước và cho xã hội".
Ngược lại, "đối với những doanh nghiệp lừa đảo như Alibaba phải đấu tranh ngăn chặn, kịp thời cảnh báo cho người dân không bị lừa, cảnh giác tối đa tránh tiền mất tật mang”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho biết thêm.
Bằng những chiếc "bánh vẽ" không chỉ bây giờ mới được đưa ra mà đã có rất nhiều vụ việc tương tự trong thời gian qua. Qua đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu mà những doanh nghiệp lừa đảo vẫn có thể hoạt động công khai trong nhiều năm? Người dân phải làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình?
Nói về điều này, TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế, nhận định, hiện không thiếu các cơ quan quản lý về thương mại, thị trường, dự án nhà đất...
Cụ thể, công an kinh tế, thanh tra về tài nguyên môi trường, quản lý thị trường... Vụ việc này cho thấy sự yếu kém của các cơ quan chức năng liên quan. Trách nhiệm trước hết phải thuộc về chính quyền địa phương. Để không lặp lại những vụ việc tương tự, TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao còn cho rằng, việc xử lý doanh nghiệp chưa đủ mà phải xử lý những sai phạm, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Qua vụ việc này cũng như những vụ việc tương tự cho thấy, không có đồng tiền nào kiếm được lại dễ dàng, không có doanh nghiệp nào giỏi tới mức huy động tiền mà trả lãi tới hàng trăm % mỗi năm, vì thế, người dân cần cảnh
giác tránh sập bẫy, bị lừa.
Được biết, Công ty Alibaba ra đời vào tháng 5/2016. Theo đó, Công ty này đã thu gom đất nông nghiệp, tự vẽ ra 40 dự án không có thật tại các tỉnh, thành phố như Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai và Bình Thuận…
Mặc dù, tất cả các dự án chưa tiến hành làm các thủ tục pháp lý, chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Thế nhưng, CEO Nguyễn Thái Luyện vẫn ngang nhiên tổ chức quảng cáo rầm rộ với nhiều hình thức.
Trong đó, Luyện đã trực tiếp chỉ đạo toàn thể cán bộ nhân viên Công ty Alibaba thông qua các kênh như mạng xã hội, các trang web nhằm rao bán đất nền của các dự án này để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng của gần 7.000 người.
Cùng với đó, Công ty Alibaba cũng cam kết lợi nhuận lên đến 40%/năm và 45%/15 tháng khiến nhiều người bị lừa trong thời gian kéo dài.
nguồn: "lsvn.vn"