Thực hiện Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 11/7/2019 của Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW và Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị số 33-CT/TW về khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoa IX) về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, ngày 19/8/2019, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo do đồng chí Phan Đình Trạc Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW dẫn đầu làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
.jpg)
Tham gia đoàn khảo sát gồm các đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và một số cán bộ cấp cục, vụ là thành viên tổ giúp việc và ban thư ký.
Đón và làm việc với đoàn công tác, về phía Đảng đoàn và Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN; Luật sư Phan Trung Hoài - Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN cùng đại diện các Ủy ban, Đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Thay mặt cho Đảng đoàn và Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đã trình bày tóm tắt báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Chỉ thị số 33-CT/TW của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Báo cáo khẳng định Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư là những văn bản chính trị quan trọng để xây dựng nền tư pháp dân chủ văn minh, hiện đại. Nhờ đó, thể chế pháp lý của nền tư pháp Việt Nam và thể chế pháp lý về luật sư, nghề luật sư đã định hình, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư, nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Đội ngũ luật sư có cơ hội đóng góp vào những hoạt động tư pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân và xã hội. Từ đó, vị thế của nghề luật sư và đội ngũ luật sư đã được xác lập và tạo lập được niềm tin với Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội. Tinh thần và nội dung của nghị quyết số 49-NQ/TW và Chỉ thị số 33-CT/TW vẫn đang có giá trị dẫn đường cho công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam sau năm 2020 và xây dựng phát triển nghề luật sư, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo, khi nước ta đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của một số chủ thể chưa thực hiện đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW và Chỉ thị số 33-CT/TW, trong đó có một số luật sư. Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh tin tưởng dưới dự lãnh đạo của Đảng, những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp sẽ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới để có thể xây dựng được một nền tư pháp dân chủ, văn minh, hiện đại ngang tầm với yêu cầu phát triển mới của đất nước và ngang tầm với nền tư pháp của các nước văn minh hiện đại trên thế giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá cao sự chuẩn bị của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho cuộc khảo sát, đồng thời đã chỉ ra nhưng vấn đề cần hoàn thiện thêm để hoàn thiện nội dung các bản báo cáo tổng kết của Đảng đoàn Liên đoàn Luậ sư Việt Nam.
Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí cũng đánh giá rất cao cố gắng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư trong 10 năm qua.
Về đội ngũ luật sư, đồng chí cho rằng đa số luật sư có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức trách nhiệm cao, tích cực góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần tham gia vào công cuộc cải cách tư pháp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số luật sư có những biểu hiện và hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Số này tuy không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng tới uy tín của Liên đoàn và đội ngũ luật sư.
Về vị trí của luật sư, đồng chí khẳng định: Ngay từ rất sớm, Đảng đã rất coi trọng và đánh giá cao vai trò quan trọng của luật sư, kể cả trong văn bản, kể cả trong thực tiễn đời sống. Về môi trường thực tế cho hoạt động của luật sư, đồng chí cho rằng đã có nhiều thay đổi, tuy còn có những hạn chế mà nguyên nhân trước hết về mặt nhận thức và bên cạnh đó là do thể chế và sâu xa hơn nữa là văn hoá - đó là những yếu tố cần phải có thời gian để từng bước thay đổi nhưng điều quan trọng trước hết là phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và cả trách nhiệm của cả đội ngũ luật sư.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí ghi nhận các ý kiến và kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và sẽ tổng hợp đầy đủ để đề xuất phương hướng và các giải pháp trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
(Liên đoàn Luật sư Việt Nam)