Để từng bước phát triển văn hóa đọc, các ngành, địa phương đã xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt chú trọng đến người dân ở vùng nông thôn, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Cùng với đó, các thư viện công cộng và thư viện trong cơ sở giáo dục luôn mở cửa phục vụ bạn đọc các ngày trong tuần; tổ chức cấp phát thẻ bạn đọc cho các tầng lớp Nhân dân, học sinh, sinh viên. Sách, báo trong thư viện được sắp xếp theo nhóm, loại và được tiến hành xử lý nghiệp vụ, tạo điều kiện cho bạn đọc tìm kiếm dễ dàng.
Hệ thống thư viện các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền thu hút bạn đọc, nhất là một số thư viện cấp huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức “Ngày hội đọc sách” 3 tháng/lần, đồng thời tham mưu thường xuyên bổ sung nguồn lực sách, báo cho thư viện. Các cơ sở giáo dục cũng tổ chức tốt hoạt động “Ngày Sách Việt Nam”, thu hút sự tham gia toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và hội cha mẹ học sinh trong các trường, tạo được môi trường thân thiện, gần gũi, lành mạnh, góp phần thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Đặc biệt, những thư viện được Dự án Bill & Melinda Gates đầu tư máy tính kết nối internet ở các phòng nghiên cứu điện tử, mở cửa để độc giả tra cứu nhanh thông tin, hình ảnh, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của Nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 196 trường được cung cấp mạng internet cho thư viện, giúp các em học sinh, giáo viên dễ dàng truy cập và tiếp cận thông tin.
Trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có Thư viện tỉnh được trang bị hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin khá hiện đại, đáp ứng được việc lưu trữ, phục vụ tra cứu, khai thác thông tin của bạn đọc. Tháng 7/2018, Thư viện tỉnh được đầu tư nâng cấp phần mềm quản lý thư viện Ilib để thuận tiện trong quản lý hoạt động thư viện và tìm kiếm tài liệu, việc chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện trong hệ thống trên phạm vi toàn quốc.
Theo thống kê, các thư viện công cộng trong tỉnh có 165.766 tài liệu, sách, báo; tổng số lượt sách, báo phục vụ của thư viện 1.154.899; trung bình một người sử dụng thư viện đọc 1,3 bản/năm. Riêng trong năm 2019, có 72.367 lượt người được thư viện phục vụ; cấp 8.774 thẻ bạn đọc tại Thư viện tỉnh và hệ thống các thư viện cấp huyện. Tổng số tài liệu trong cơ sở giáo dục là 51.607.462; phục vụ 2.973.309 người… Bên cạnh đó, các thư viện đã chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng không gian đọc sách thoáng mát, rộng rãi để phục vụ bạn đọc, đồng thời tăng cường bổ sung sách, báo, tin học hóa thư viện… nhằm thu hút nhiều bạn đọc tìm đến, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong Nhân dân.
Tuy nhiên, phong trào đọc sách chưa thực sự trở thành một phong trào sâu rộng, văn hóa đọc chưa thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên của người dân; tỷ lệ học sinh đọc sách trong thư viện còn thấp, chỉ thích đọc báo, tạp chí, chưa sử dụng nhiều sách tham khảo phục vụ cho việc học và tích lũy kiến thức. Vốn tài liệu còn ít, nội dung chưa thể đáp ứng nhu cầu bạn đọc, ngân sách bổ sung sách, báo hàng năm còn hạn chế. Hệ thống cán bộ thư viện cấp huyện chủ yếu phục vụ bạn đọc tại chỗ, không có điều kiện luân chuyển sách, báo về xã, phường, thôn, bản. Công tác tuyên truyền, giới thiệu sách, báo và các nguồn lực thông tin đến với người dân chưa được thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, cuốn hút…
Năm 2020, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc với nhiều hình thức thực hiện đa dạng, phù hợp. Các thư viện trên địa bàn tỉnh, tủ sách pháp luật, phòng đọc cơ sở, tủ sách dòng họ tăng cường luân chuyển, phục vụ sách, báo để hình thành thói quen đọc sách, nâng cao ý thức tự học, rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện của người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Mặt khác, các cấp, các ngành và địa phương chú trọng các hoạt động thu hút, động viên, khuyến khích Nhân dân, học sinh, sinh viên tham gia phong trào đọc sách trong thư viện công cộng và thư viện trường; xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, từng đối tượng Nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn, góp phần nâng cao tính khả thi trong tổ chức các hoạt động Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: "www.quangbinh.gov.vn"