Tại phiên làm việc đầu tiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, đề xuất giảm giờ làm cho lao động khối doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kiến nghị, việc giảm giờ làm của khu vực doanh nghiệp xuống 44 giờ mỗi tuần, để giảm bớt sự bất bình đẳng giữa khối doanh nghiệp và hành chính sự nghiệp.
Trong khi đó, người lao động sẽ được nghỉ chiều thứ 7 và cả ngày chủ nhật, tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình, tái tạo sức khoẻ. Theo đó, đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới và nên áp dụng tại nước ta.

Giảm giờ làm cho khối lao động doanh nghiệp đang nhận được nhiều ý kiến.
Bổ sung thêm ý kiến này, Phó ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, có báo cáo nói 30% cán bộ công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" nên phải loại bỏ số lao động "hưởng lương mà không làm việc" và tăng giờ làm cho đội ngũ còn lại. "Nhiều cán bộ nhàn nhã, thiếu trách nhiệm, trong khi đó chúng ta lại kéo dài thời gian làm việc của những người chân lấm, tay bùn. Quốc hội phải bênh vực người dân yếu thế".
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vấn đề này chưa được Chính phủ trình trong hồ sơ dự án Bộ luật, Ủy ban đã đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tổng kết thi hành việc thực hiện quy định khuyến khích áp dụng chế độ làm việc không quá 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần của Bộ luật hiện hành.
Được biết, ngày 21/10/2019, dự án Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục được trình Quốc hội cho ý kiến, vào kỳ họp thứ 8.
Nguồn: "lsvn.vn"